Nhân Ngày Internet An toàn hơn (Safer Internet Day), Google đưa ra các cách thức lừa đảo trực tuyến phổ biến gần đây, đồng thời chia sẻ một số mẹo giúp người dùng an toàn hơn trên mạng.
Lợi dụng các sự kiện lớn
Kẻ lừa đảo lợi dụng các sự kiện lớn, tận dụng AI để tạo ra các hình thức lừa đảo mới và nâng cấp độ tinh vi của các hình thức hiện có. Các đối tượng này nhanh chóng nắm bắt các sự kiện nổi bật để thực hiện các chiêu trò lừa đảo như bán vé giả hoặc mạo danh tổ chức từ thiện.
Từ những buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao, các lễ hội văn hóa cho đến các thảm họa thiên nhiên, mọi dịp đều có thể trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo.
Những thời điểm này, mọi người thường cảm thấy áp lực phải hành động nhanh chóng, vô tình tạo cơ hội cho các vụ lừa đảo xảy ra.
Theo Google, người dùng chỉ nên mua vé và quyên góp thông qua các kênh chính thức. Xác minh các tổ chức từ thiện và kiểm tra các đường dẫn (URL) trước khi nhấp chuột. Sử dụng tính năng "Thông tin về kết quả này" trên Tìm kiếm để kiểm tra thông tin nguồn.
Lừa đảo đầu tư thông qua người nổi tiếng được tạo bởi AI
Những kẻ lừa đảo sử dụng AI để tạo video và hình ảnh giả mạo, trong đó họ mạo danh người nổi tiếng để quảng bá cho các chiêu trò lừa đảo.
Các "deepfake" này, kết hợp với các bài báo và bài đăng bịa đặt trên mạng xã hội, thường được sử dụng để giới thiệu các khoản đầu tư bất hợp pháp, đặc biệt trong lĩnh vực tiền điện tử và nền tảng giao dịch.
Sự kết hợp giữa những gương mặt có sức ảnh hưởng, nội dung trông chuyên nghiệp và lời hứa hẹn về lợi nhuận cao khiến các vụ lừa đảo này trở nên đặc biệt thuyết phục.
Theo Google, người dùng hãy luôn cảnh giác với lời khuyên đầu tư từ người nổi tiếng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Hãy quan sát kỹ những biểu cảm khuôn mặt không tự nhiên trong các video. Nếu một khoản đầu tư nghe có vẻ quá hấp dẫn, thì rất có thể đó là một chiêu trò lừa đảo.
Ảnh có tính chất minh hoạ.
Lừa đảo du lịch và thương mại điện tử giả mạo
Đối tượng lừa đảo tạo ra các trang web giả mạo các trang mua sắm, du lịch và bán lẻ hợp pháp, dụ dỗ nạn nhân bằng mức giá cực kỳ hấp dẫn cho các mặt hàng phổ biến, hàng hóa xa xỉ, vé hòa nhạc hoặc ưu đãi du lịch.
Những trang web này được sao chép một cách tinh vi, từ thiết kế website đến các trang dịch vụ chăm sóc khách hàng, khiến người dùng gần như không thể phân biệt được với các trang web chính thức.
Để tránh bị phát hiện, kẻ lừa đảo sử dụng kỹ thuật như "cloaking" (che đậy) và các "ưu đãi có thời hạn" nhằm buộc người dùng quyết định nhanh chóng.
Hậu quả là nạn nhân thường không nhận được gì, nhận phải hàng giả, hoặc phải đối mặt với các khoản phí bất hợp pháp và dữ liệu cá nhân bị xâm phạm.
Thậm chí, những đối tượng lừa đảo này còn thao túng danh sách doanh nghiệp, thêm số điện thoại giả để mạo danh các doanh nghiệp hợp pháp.
Theo Google, người dùng cần xác minh trang web trước khi mua hàng, đặc biệt trong các đợt giảm giá. Kiểm tra URL, các tính năng bảo mật, cảnh giác với các mức giá thấp và lời hối thúc mua hàng nhanh chóng.
Sử dụng tính năng "Thông tin về kết quả này" đối với các trang web lạ. Thông qua Trung tâm Quảng cáo của tôi, trên Google để tìm thông tin về nhà quảng cáo và báo cáo các quảng cáo xấu.
Nguồn: Vietnamnet.vn